Hiếm có một cặp vợ chồng nào sống trong một
không gian chung như vợ chồng Tiến - Bảng. Cùng nhau hiện diện trong mọi không
gian, thời gian: Sinh trưởng và lao động nghệ thuật trên quê lụa Hà Tây vốn có
nhiều làng nghề. Đặc biệt các làng nghề sơn mài và các tác phẩm sơn mài đẹp
trong chùa Trăm Gian, Chương Mỹ, Chùa Huyền Kỳ, Thanh Oai, Chùa Đậu, Thường
Tín,... Sống trong một mái ấm gia đình không chỉ nương tựa vào nhau trong cuộc
sống, hơn thế còn hỗ trợ tác động và chuyển hóa lẫn nhau trong lao động nghệ thuật.
Cùng dạy trong một trường trung cấp nghề, trong đó có nghề sơn mài tâm huyết
của anh chị. Tất cả đã tạo cho anh chị "miền đất hứa", sớm trở thành
2 họa sĩ sơn mài quen biết.
Đến với triển lãm sơn mài năm 2009, sau 5
năm triển lãm lần thứ nhất 2004 cũng tại nhà Triển lãm mỹ thuật 16 Ngô Quyền Hà
Nội, ấn tượng đầu tiên của tôi, chắc cũng là của không ít họa sĩ: Họa sĩ Nguyễn
Văn Bảng và nữ họa sĩ Nguyễn Thị Tiến đều đã tự vượt chính mình. Dễ thấy nhất
cả 2 đều sáng tác tập trung theo chủ đề, theo bộ. Tôi liên tưởng đến phong cách
sáng tác của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm với hai bộ tranh nổi tiếng Gióng và Điệu
múa cổ. Tất nhiên tôi chỉ nói đến phong cách sáng tác vẽ đến thuộc, giúp anh
chị ít hay nhiều chiếm lĩnh được cái đẹp đích thực của nghệ thuật.
Điều thú vị đối với tôi, hình thức phong
cách nghệ thuật của anh chị đã giao thoa tác động và chuyển hóa lẫn nhau mà vẫn
giữ được phong cách nghệ thuật riêng của mỗi người. Nếu như trước đây Tiến
thiên về thực, nay có phần thoát thực hơn. Nếu trước đây Bảng thiên về thoát
thực nay có phần gần với thực hơn. Triển lãm 2009 là một minh chứng:
- Họa
sĩ Nguyễn Văn Bảng công bố 19 tác phẩm theo 3 chủ đề, Hoa Mận 10 tác phẩm với
nhiều chiều không gian và thời gian thuộc xu hướng nghệ thuật hiện thực. Mặt nạ
5 tác phẩm, mở rộng không gian trên 1 mặt phẳng theo hình vuông 9 khuân mặt,
hay hình chữ nhật 6 khuân mặt trong 1 tác phẩm thuộc xu hướng nghệ thuật siêu
thực, đúng hơn là hiện thực tâm trạng. Còn Vô tận 2 tác phẩm giầu phẩm chất
nghệ thuật tạo hình, trang trí, thuộc xu hướng nghệ thuật biểu hiện trừu tượng.
Tất cả đã thực sự làm phong phú phong cách nghệ thuật hiện thực tâm trạng của
Nguyễn Văn Bảng. Kết hợp hài hòa chất tạo hình với chất trang trí đã định hình
định vị phong cách nghệ thuật Nguyễn Khang và Lê Quốc Lộc là 2 họa sĩ bậc thầy
của trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp và giới Mỹ thuật Việt Nam, mà Bảng vốn
là cựu sinh viên của Nhà trường, đã biết tiếp thu phong cách nghệ thuật đó theo
cảm quan của thế hệ mình.
- Nữ
họa sĩ Nguyễn Thị Tiến công bố 12 tác phẩm theo 3 chủ đề, Phong cảnh Hà Giang
3 tác phẩm, in đậm dấu ấn chuyến đi thực tế sáng tác: "Chiều Hà
Giang", "Phố Cáo"... ẩn hiện nét đẹp của Cao nguyên đá. Biển
đúng hơn là ấn tượng về biển 5 tác phẩm theo nhiều chiều không gian và thời
gian: "Biển sớm", "Biển vắng", "Chiều Hải
Bình"... Có phần thoát thực hơn phong cảnh miền núi Hà Giang. Nông thôn cụ
thể hơn là vùng quê lụa khá có duyên trong tranh chị. "Ngõ quê" là
một tác phẩm tiêu biểu trong phong cách nghệ thuật 1 thời, im đậm dấu ấn nguồn
gốc đào tạo trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam của chị. Còn Thu,
Hình - Bóng là hai tác phẩm sử dụng các yếu tố tạo hình thực - hư, hiện - ảo,
trang trí và tạo hình nhằm khắc họa một hiện thực tâm trạng. Tất cả làm phong
phú phong cách nghệ thuật Hiện thực - hiện thực tâm trạng của Nguyễn Thị Tiến.
Bước vào thời kỳ đất nước đổi mới hội nhập,
Tranh sơn mài của chúng ta khá phong phú về đề tài, hình thức, chất liệu, kỹ
thuật. Nào là sơn ta, sơn tàu, sơn nhật. Mài hay không mài. Còn đắp nổi, gắn
đá, đồng xu, trăng dây, thậm chí gắn cả cái đầu rồng... đã tạo nên những hình
thức mới lạ trên nền vóc. Có điều không nên gọi là tranh sơn mài. Dùng sơn vẽ
trên vóc, toan, giấy,.... mà không mài quyết không phải tranh sơn mài. Tranh
sơn mài được xác định theo tiêu chí: Phẳng - Bóng - Trong và độ sâu thăm thẳm
của màu với kỹ thuật mài, là vẽ.
Nghệ thuật sơn mài của Nguyễn Văn Bảng và
Nguyễn Thị Tiến thuộc thế hệ họa sĩ sơn mài thứ 3, vẫn thuộc dòng nghệ thuật
sơn mài truyền thống. Có điều theo quan niệm, cảm quan và cách tiếp cận hiện
thực và nghệ thuật sơn mài của thế hệ mình. Anh cũng như chị cũng định hình
định vị một phong cách nghệ thuật riêng. Có điều tự vượt chính mình, làm mới
nghệ thuật mình là cực khó đối với bất kỳ thế hệ họa sĩ nào. Song không thể
"Vượt Vũ Môn" mới mong chiếm lĩnh được cái đẹp đích thực của nghệ
thuật. Hãy hy vọng và kiên trì chờ đợi, thời gian và công chúng yêu mỹ thuật sẽ
thẩm định và tôn vinh chúng ta.
Chúc triển lãm 2009 của anh chị thành công.
Xin trân trọng giới thiệu
Hà nội, 28 tháng 02 năm 2009
LÊ
QUỐC BẢO....
Nhà
Phê bình, Nhà giáo